6 tháng kể từ khi nhà đầu tư ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ phải chứng minh có đủ nguồn vốn huy động để thực hiện dự án.
Các nhà đầu tư đang tích cực vào cuộc đàm phán, thương thảo với các đối tác tài chính, tổ chức tín dụng để huy động vốn đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT gồm: Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An)
Chốt xong vốn đầu tư cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo
Sau gần 2 tháng ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, nhà đầu tư dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Tập đoàn Đèo Cả – Công ty CP Xây dựng Đèo Cả – Công ty CP Đầu tư xây dựng 194) đã cơ bản chốt xong phương án huy động vốn cho công trình trọng điểm này.
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 3.786 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư và 4.199 tỷ đồng vốn góp của Nhà nước.
Theo ông Thế, trong phần vốn của nhà đầu tư 3.796 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 1.030 tỷ đồng, còn lại khoảng 2.786 tỷ đồng là phần vốn vay. Đối với phần vốn chủ sở hữu, đến nay, nhà đầu tư đã góp 531 tỷ đồng (đạt 50%), đảm bảo đúng tiến độ góp vốn chủ sở hữu theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.
“Nguồn vốn chủ sở hữu đã được chúng tôi giải ngân cho các nhà thầu đang tổ chức thi công, hiện chưa tiêu hết. Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án đã được ghi vốn và sẵn sàng giải ngân khi đủ điều kiện của hợp đồng”, ông Thế nói.
Đề cập đến phần vốn huy động của nhà đầu tư khoảng 2.786 tỷ đồng, ông Thế khẳng định, ngay từ đầu triển khai dự án nhà đầu tư xác định không trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, thay vào đó sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC) với các đối tác để thu xếp vốn.
“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành ký kết hợp đồng BCC với các đối tác để thu xếp toàn bộ nguồn của nhà đầu tư làm cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo”, ông Thế chia sẻ.
Tuy vậy, ông Thế cho biết thêm, hiện hai tổ chức tín dụng cả trong nước và quốc tế đã “ngỏ lời” cam kết cho nhà đầu tư vay vốn tín dụng để thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Trong đó, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) sẵn sàng thu xếp nguồn vốn tín dụng từ một ngân hàng quốc tế cho dự án.
Đối với nguồn vốn tín dụng trong nước, một ngân hàng lớn cũng đang đàm phán với nhà đầu tư để thu xếp vốn triển khai cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
“Chúng tôi xác định vay vốn tín dụng từ ngân hàng chỉ là phương án dự phòng. Trong trường hợp đàm phán thành công, nhà đầu tư mới sử dụng nguồn vốn vay tín dụng cho dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, còn phần vốn đã thu xếp xong bằng hình thức BCC sẽ được chuyển đi để làm một dự án cao tốc khác do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư”, ông Thế chia sẻ.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng tín dụng
Ký hợp đồng với Bộ GTVT vào tháng 5/2021, theo quy định chậm nhất đến ngày 4/12/2021, nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) sẽ phải huy động được nguồn tín dụng để thực hiện dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm. Đồng thời, nhà đầu tư phải góp tối thiểu 511 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, riêng năm 2021 phải góp 263 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Minh, Phó giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đối với phần vốn chủ sở hữu, đến nay, nhà đầu tư đã góp được 77 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch góp vốn trong tháng 9/2021.
Nhà đầu tư cũng đang tích cực đàm phán với ngân hàng để huy động vốn tín dụng cho dự án.
“Doanh nghiệp kinh doanh bao giờ cũng muốn có phần vốn của ngân hàng cho vay, bởi mình làm nhiều dự án, công trình. Đối với dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, chúng tôi đang tích cực đàm phán, trường hợp phần vốn tín dụng phía ngân hàng cho vay không đủ, chúng tôi sẽ tăng phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án này”, ông Minh nói.
Thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, đến thời điểm này, nhà đầu tư đã góp được khoảng 281 tỷ đồng.
“Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh công tác đàm phán với các ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn tín dụng triển khai dự án”, ông Hạnh nói.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP) cho biết, theo quy định, trong thời gian 6 tháng kể từ khi nhà đầu tư ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ phải chứng minh có đủ nguồn vốn huy động để thực hiện dự án.
“Trường hợp nhà đầu tư không chứng minh được nguồn vốn huy động, Bộ GTVT sẽ tịch thu bảo lãnh và hủy hợp đồng với nhà đầu tư”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Giám đốc các Ban QLDA: 6, 85, đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung để Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc huy động vốn tín dụng triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP.
Lộ trình cho nhà đầu tư hoàn thành huy động vốn - Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt: Theo quy định tại hợp đồng BOT, chậm nhất đến ngày 13/11/2021, nhà đầu tư phải huy động được nguồn vốn tín dụng để thực hiện. Dự án dài khoảng 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng gồm: Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - TCT Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.
- Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Theo quy định của hợp đồng BOT, chậm nhất đến ngày 30/1/2022, nhà đầu tư phải huy động được nguồn vốn tín dụng để thực hiện. Dự án dài 78,5km, tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, gồm: 3.786 tỷ đồng vốn nhà đầu tư huy động và khoảng 4.199 tỷ đồng vốn góp của Nhà nước. Nhà đầu tư dự án là liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây dựng Đèo Cả - CTCP Công ty Đầu tư xây dựng 194.
- Dự án Nha Trang - Cam Lâm: Theo quy định tại hợp đồng BOT, chậm nhất đến ngày 4/12/2021 nhà đầu tư phải huy động được nguồn vốn tín dụng. Dự án dài 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng gồm: Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
https://www.baogiaothong.vn/ba-du-an-ppp-cao-toc-bac-nam-dang-huy-dong-von-the-nao-d526384.html